Thứ Sáu, 26 tháng 12, 2014

Hướng dẫn sử dụng đồng hồ đo điện vạn năng chỉ thị kim( đo điện áp, dòng điện, điện trở)

Đồng hồ đo điện vạn năng hay đồng hồ vạn năng là thiết bị đo điện rất cơ bản và tiện lợi trong ngành điện. Đồng hồ đo điện vạn năng hiện đại ngày nay gồm rất nhiều chủng loại do nhiều hãng sản xuất, với rất nhiều tính năng đo lường được tích hợp.

Ngày nay các đồng hồ đo điện vạn năng chủ yếu là các loại đồng hồ vạn năng điện tử. Tuy nhiên một số đồng hồ đo điện vạn năng chỉ thị kim vẫn được sử dụng, sau đây là các thao tác cơ bản khi sử dụng đồng hồ đo điện vạn năng kim chỉ thị để đo các đại lượng điện.

1. Sử dụng đồng hồ đo điện vạn năng kim chỉ thị đo dòng điện.

a. Sử dụng đồng hồ đo điện vạn năng đo dòng 1 chiều.

Các bước thực hiện:

B1: Cắm que đo màu đen vào đầu COM, que đo màu đỏ vào đầu (+)
B2: Đặt chuyển mạch của đồng hồ ở thang DC.A - 250mA.
B3: Tắt nguồn điện của các mạch thí nghiệm.
B4: Kết nối que đo màu đỏ của đồng hồ đo điện vạn năng về phía cực dương (+) và que đo màu đen về phía cực âm (-) theo chiều dòng điện trong mạch thí nghiệm. Mắc đồng hồ nối tiếp với mạch thí nghiệm
B5: Bật điện cho mạch thí nghiệm.
B6: Khi kết quả đọc được nhỏ hơn 25mA, đặt chuyển mạch của đồng hồ đo điện vạn năng sang vị trí DC.A – 25mA để được kết quả chính xác hơn.Tương tự, khi kết quả nhỏ hơn 2,5mA thì đặt chuyển mạch sang vị trí DC.A – 2,5mA.Tức là bắt đầu từ thang lớn nhất, sau đó giảm dần thang đo đến khi chọn được thang lớn hơn nhưng gần nhất với giá trị dòng điện cần đo.
B7: Đọc và tính giá trị: Đọc trên cung chia độ C, tính giá trị giống trường hợp đo điện áp 1 chiều. Tức là giá trị thực bằng số chỉ của kim trên cung chia độ của đồng hồ đo điện vạn năng nhân với thang đo và chia cho giá trị MAX trên cung chia độ đó.

Chú ý: Cần chú ý điện áp định mức và giới hạn đo của đồng hồ đo điện vạn năng. Các đầu đo của đồng hồ phải được kết nối chắc chắn với mạch điện cần đo. Nếu kết nối chập chờn có thể phát sinh những xung điện gây nguy hiểm cho mạch hoặc đồng hồ đo. Không bao giờ thực hiện đo điện áp với các thang đo dòng điện.

b. Sử dụng đồng hồ đo điện vạn năng đo dòng xoay chiều.

Các bước thực hiện:

B1: Cắm que đo màu đen vào đầu COM, que đo màu đỏ vào đầu AC – 15A
B2: Đặt chuyển mạch của đồng hồ ở thang AC – 15A.
B3: Tắt nguồn điện của các mạch thí nghiệm.
B4: Kết nối 2 que đo của đồng hồ đo điện vạn năng về phía 2 điểm cần đo dòng điện của mạch thí nghiệm (Mắc nối tiếp).
B5: Bật điện cho mạch thí nghiệm.
B6: Đọc và tính giá trị: Đọc trên cung chia độ E15, tính giá trị giống trường hợp đo điện áp 1 chiều. Tức là giá trị thực bằng số chỉ của kim trên cung chia độ của đồng hồ đo điện vạn năng nhân với thang đo và chia cho giá trị MAX trên cung chia độ đó.

Chú ý: Thang đo này không có cầu chì bảo vệ nên nếu nhầm lẫn sẽ gây hư hỏng nghiêm trọng. Không dùng thang đo dòng điện xoay chiều để đo điện áp.

2. Sử dụng đồng hồ đo điện vạn năng kim chỉ thị đo điện áp.

a. Sử dụng đồng hồ đo điện vạn năng đo điện áp 1 chiều.

Các bước thực hiện:

B1: Cắm que đo màu đen vào đầu COM, que đo màu đỏ vào đầu (+)
B2: Đặt chuyển mạch ở thang đo DC.V lớn hơn nhưng gần nhất với giá trị cần đo để kết quả đo là chính xác nhất. Ví dụ: đo điện áp 220V thì có 2 thang lớn hơn là 250V và 1000V, nhưng thang 250V sẽ cho kết quả chính xác hơn.
B3: Đặt 2 que đo của đồng hồ đo điện vạn năng vào 2 điểm cần đo (Đo song song). Que đen vào điểm có điện thế thấp, que đỏ vào điểm có điện thế cao.
B4: Tính kết quả đo được V = A x (B/C)
Với V là giá trị điện áp thực
A – Là số chỉ của kim đọc được trên cung chia độ
B – Là thang đo đang sử dụng
C – Là giá trị MAX của cung chia độ
Tỷ lệ B/C là hệ số mở rộng

Chú ý:

• Khi điện áp cao hơn 250V, cần tắt nguồn điện, nối dây đồng hồ đo điện vạn năng vào điểm cần đo, sau đó mới bật nguồn. Không chạm vào dây đo đồng hồ, ghi lại kết quả đo, tắt nguồn rồi mới tháo dây đo đồng hồ ra khỏi điểm cần đo.
• Không để chuyển mạch ở vị trí thang đo mA hay Ω, nếu không đồng hồ sẽ hỏng.
• Không cắm que đo sang đầu đo dòng điện 15A xoay chiều.
• Để đồng hồ đo điện vạn năng ở thang đo một chiều mà đo điện áp xoay chiều, kim chỉ thị sẽ không lên, tuy nhiên dòng qua đồng hồ lớn có thể làm hỏng đồng hồ.

b. Sử dụng đồng hồ đo điện vạn năng đo điện áp xoay chiều.

Các bước thực hiện:

B1: Cắm que đo màu đen vào đầu COM, que đo màu đỏ vào đầu (+)
B2: Đặt chuyển mạch ở thang đo AC.V lớn hơn nhưng gần nhất với giá trị cần đo để kết quả đo là chính xác nhất.
B3: Đặt 2 que đo vào 2 điểm cần đo (Đo song song). Không cần quan tâm đến cực tính của đồng hồ
B4: Tính kết quả đo được giống trường hợp đo điện áp một chiều.

Chú ý:

• Khi đo điện áp cao hơn 250V, cần tắt nguồn điện, nối dây đồng hồ đo điện vạn năng vào điểm cần đo, sau đó mới bật nguồn. Không chạm vào dây đo đồng hồ đo điện vạn năng, ghi lại kết quả đo, tắt nguồn rồi mới tháo dây đo đồng hồ ra khỏi điểm cần đo.
• Không để chuyển mạch ở vị trí thang đo mA hay Ω, nếu không đồng hồ sẽ hỏng.
• Không cắm que đo của đồng hồ đo điện vạn năng sang đầu đo dòng điện 15A xoay chiều.
• Đặt chuyển mạch đồng hồ đo điện vạn năng ở vị trí đo điện áp xoay chiều mà đo điện áp 1 chiều, kim đồng hồ vẫn lên nhưng kết quả là không chính xác.
• Đối với thang đo xoay chiều 10V cần đọc ở cung chia độ riêng của nó thì kết quả mới chính xác (cung D10).

3. Sử dụng đồng hồ đo điện vạn năng kim chỉ thị đo điện trở.

Các bước thực hiện khi sử dụng đồng hồ đo điện vạn năng đo điện trở:

B1: Cắm que đo màu đen vào đầu COM, que đo màu đỏ vào đầu (+)
B2: Đặt 2 que đo vào 2 đầu điện trở (Đo song song). Chọn thang đo sao cho khi đo điện trở cần xác định, độ lệch của kim ở khoảng ½ thang đo.
B3: Giữ nguyên thang đo này, bỏ điện trở, chập que đo vặn núm chỉnh 0ΩADJ để kim chỉ ở điểm 0 động.
B4: Đo điện trở lại một lần nữa, kết quả lần này là chính xác.
B5: Tính kết quả đo được
R = A x B
R - Giá trị thực của điện trở
A - Là số chỉ của kim trên cung chia độ
B - Là thang đo.

Chú ý:

• Không bao giờ được đo điện trở trong mạch đang được cấp điện.Trước khi đo điện trở trong mạch hãy tắt nguồn trước.
• Không để đồng hồ đo điện vạn năng ở thang đo điện trở mà đo điện áp và dòng điện - đồng hồ sẽ hỏng ngay lập tức (Bảng 1.2).
• Khi đo điện trở nhỏ (cỡ <10Ω) cần để cho que đo và chân điện trở tiếp xúc tốt nếu không kết quả không chính xác.
• Khi đo điện trở lớn (cỡ > 10kΩ), tay không được tiếp xúc đồng thời vào cả 2 que đo của đồng hồ đo diện vạn năng, vì nếu tiếp xúc như vậy điện trở của người sẽ mắc song song với điện trở cần đo làm giảm kết quả đo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét